• Slide 0
Ngân hàng RBS: “Chơi xấu” với nợ xấu

 

Đầu tuần này, liên tiếp 2 báo cáo được công bố, trong đó chỉ trích hoạt động cho vay và xử lý nợ doanh nghiệp của RBS.

ngan-hang-rbs-choi-xau-voi-no-xau

Khi có nợ xấu từ doanh nghiệp, cách xử lý thông thường của các ngân hàng là giúp doanh nghiệp tái cấu trúc để “khỏe” lại, từ đó làm tăng giá trị của các món nợ xấu. Nhưng Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) đang bị cáo buộc xử lý bằng cách khiến các khoản nợ xấu ngày càng xấu, thậm chí gây sức ép để doanh nghiệp phá sản hòng mua lại và bán với giá hời.

 
Ép doanh nghiệp vào “rọ”
 
Đầu tuần này, liên tiếp 2 báo cáo được công bố, trong đó chỉ trích hoạt động cho vay và xử lý nợ doanh nghiệp của RBS. Báo cáo thứ nhất của doanh nhân triệu phú kiêm cố vấn Chính phủ Anh Lawrence Tomlinson, xoay quanh bộ phận cấu trúc nợ của RBS là Global Restructuring Group (GRG), chuyên xử lý những khoản vay rủi ro.
 
Khi một khoản nợ bị đưa vào diện quản lý của GRG, cũng đồng nghĩa khoản nợ đó sẽ bị áp lãi suất cao hơn và phí quản lý nặng hơn rất nhiều. Việc loại bỏ một khoản nợ xấu ra khỏi bảng kế toán của ngân hàng không phải là điều bất hợp lý, đặc biệt khi các nhà cho vay lớn đang cố gắng dịch chuyển xa khỏi các tài sản rủi ro.
 
Nhưng ông Tomlinson nói RBS đã tạo sức ép để buộc các doanh nghiệp vào diện quản lý của GRG, dù có nhiều doanh nghiệp vẫn khỏe mạnh và có thể được RBS quản lý như bình thường. Điều này khiến doanh nghiệp không thể trả nợ dẫn tới phá sản và RBS chỉ việc mua lại với giá hời. Với những lỗi kỹ thuật rất nhỏ của doanh nghiệp như chậm nộp thông tin tài chính cũng bị RBS phóng đại thành những sai phạm lớn, sau đó chuyển sang cho GRG quản lý và doanh nghiệp phải chịu những khoản phí cắt cổ.
 
Theo phân tích của báo The Daily Telegraph, GRG đã mang về doanh thu 276 triệu bảng (446,3 triệu USD) và lợi nhuận trên 50 triệu bảng (80,8 triệu USD) kể từ khi được ứng cứu năm 2008. Phân tích 13 chi nhánh GRG của Daily Telegraph cho thấy tổng tài sản của đơn vị này là 1.170 tỷ bảng (1.892 tỷ USD) vào cuối năm ngoái.
 
Ông Tomlinson cho biết đã phát hiện một số câu chuyện “khủng khiếp” cho thấy hành vi của RBS là “có tính hệ thống và thể chế”. Báo cáo phát hiện những điểm đáng ngại: nhiều tài sản được tái định giá mà không có khảo sát thực tế; bất động sản được RBS thu hồi và bán lại với giá cao hơn mức định giá của chính ngân hàng; một doanh nghiệp cho biết chỉ riêng phí quản lý của GRG cũng khiến họ mất 256.000 bảng (414.000USD - 8,7 tỷ đồng).
 
“Tôi nhận được hàng tá khiếu nại của các doanh nghiệp về cách RBS đã cho họ vào “rọ”. Nhiều doanh nghiệp mới đầu hoạt động rất tốt, nhưng sau khi bắt tay với RBS đều gánh thất bại, phải bán hết tài sản của công ty. RBS thực sự đã hủy hoại sự nghiệp kinh doanh, thậm chí cả cuộc sống của rất nhiều người và làm tan vỡ nhiều gia đình” - ông Tomlinson nói.
 
RBS đang chống cáo buộc
 
Báo cáo thứ hai của Andrew Large, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, cho rằng ngân hàng đã có tiến bộ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhưng vẫn chưa làm đủ để cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo đó, RBS đã không hoàn thành kế hoạch cho vay DNNVV của chính mình. Nhiều khách hàng DNNVV tin rằng RBS không muốn cho họ vay.
 
Báo cáo cũng cho biết RBS đã xử lý rất tệ với khách hàng là các doanh nghiệp gặp khó khăn, điều này sẽ khiến doanh nghiệp e sợ khi đến vay ngân hàng.
 
“Đã một thời, tiền đầu tư của các DNNVV luôn chiếm phần lớn trong nguồn huy động của các ngân hàng Anh, nhưng bây giờ nó đã giảm thấp kỷ lục từ năm 1955, chứng tỏ phải có lý do nào đó khiến cho các doanh nghiệp dè dặt đổ tiền đầu tư vào ngân hàng” - ông Mike Ingram, chuyên gia Quỹ BGC, nói.
 
Bộ trưởng Doanh nghiệp Anh Vince Cable nói bộ này sẽ không xem báo cáo như chứng cứ, nhưng cho biết: “Chúng tôi khá tin tưởng các chứng cứ là vững chắc”. Trong một cuộc phỏng vấn với ITV, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nói những cáo buộc là “kinh ngạc” và “không thể phớt lờ”.
 
Ross McEwan, CEO của RBS, nói trong một lá thư gửi Sir Andrew rằng báo cáo của ông quả thật “khó đọc”. Ông cũng cho biết RBS đã thực hiện những thủ tục mới để thúc đẩy cho vay DNNVV. Hiện RBS đã thuê Công ty Luật Clifford Chance để chống lại các cáo buộc từ 2 báo cáo nói trên.
 
Theo Vinh Trang

Sài Gòn Đầu Tư

Share

Trả lời
Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bình luận
Tên *
Thư điện tử *
Trang web
Copyright © 2022 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web BĐS https://Zland.vn
Hotline