Mô hình CAPM:
Mô hình định giá tài sản vốn (Capital asset pricing model - CAPM) là mô hình mô tả mối quan hệ giữa rủi ro và tỷ suất sinh lợi mong đợi. Trong mô hình này, tỷ suất sinh lợi mong đợi bằng tỷ suất sinh lợi phi rủi ro (risk-free) cộng với một khoản bù đắp rủi ro dựa trên cơ sở rủi ro toàn hệ thống của chứng khoán đó. (Nguyễn Minh Kiều, 2007)
Mô hình CAPM do ba nhà kinh tế William Sharpe, John Lintnet và Jack Treynor phát triển từ những năm 1960 và đã có được nhiều ứng dụng từ đó đến nay. Mặc dù cũng có một số mô hình khác ra đời để giải thích động thái thị trường nhưng mô hình CAPM là mô hình đơn giản về mặt khái niệm và có khả năng ứng dụng sát với thực tiễn. Cũng như bất kỳ mô hình nào khác, mô hình này cũng chỉ là một sự đơn giản hoá hiện thực nhưng nó vẫn cho phép chúng ta rút ra những ứng dụng hữu ích.
Mô hình định giá tài sản vốn phát biểu rằng: thu nhập kì vọng của một loại chứng khoán hay danh mục đầu tư sẽ ngang bằng với mức trên các chứng khoán phi rủi ro cộng thêm khoản lợi tức bù rủi ro nữa. Nếu thu nhập kì vọng không đạt mức thu nhập tối thiểu yêu cầu, khi đó nhà đầu tư sẽ không tiến hành đầu tư. Các đường sml của thị trường chứng khoán sẽ thể hiện kết quả của capm đối với các mức rủi ro khác nhau (β). ( Lê Đại Trí, 2011)
Suất sinh lợi kỳ vọng: E(Ri) = rf + b( RM - rf )
• Hệ số beta: độ nhạy của chứng khoán đối với thay đổi trên thị trường
β =1: biến thiên bằng thị trường, rủi ro bằng mức thị trường
β > 1: rủi ro cao hơn mức trung bình của thị trường
β <1: rủi ro thấp hơn mức trung bình của thị trường (biến thiên vàđộ lệch chuẩn thấp hơn thị trường)
Mô hình Fama-French 3 nhân tố:
Năm 1992, Eugene Fama một giáo sư tài chính người Mỹ, cùng với Kenneth French khám phá ra rằng beta của CAPM không giải thích được suất sinh lợi kỳ vọng của chứng khoán Mỹ thời kỳ 1963-1990. Fama-French bắt đầu quan sát hai lớp cổ phiếu có khuynh hướng tốt hơn so với toàn bộ thị trường. Thứ nhất là cổ phiếu có vốn hóa nhỏ (small caps) hay còn gọi là quy mô nhỏ. Thứ hai là cổ phiếu có tỷ số giá sổ sách trên giá thị trường BE/ME (Book to Market Equity) cao. Họ đưa thêm hai nhân tố này vào CAPM để phản ánh sự nhạy cảm của danh mục đối với hai loại cổ phiếu này. Sau khi được giới thiệu vào năm 1993, mô hình ba nhân tố của hai tác giả Fama-French để lượng hóa mối quan hệ giữa rủi ro và suất sinh lợi đã được kiểm định là có hiệu quả tại các thị trường chứng khoán phát triển cũng như mới nổi.
Mô hình ba nhân tố Fama-French (1993) cho rằng suất sinh lợi của một danh mục đầu tư hoặc một cổ phiếu riêng biệt phụ thuộc vào 3 yếu tố đó là: yếu tố thị trường, yếu tố quy mô công ty và yếu tố giá trị sổ sách trên giá trị thị trường BE/ME
Mô hình được mô tả như sau:
E(Ri ) – Rf = c + βi [(E(RM) – Rf] + si(SMB) + hi(HML)
Trong đó:
- E(Ri ) : Mức lợi nhuận kỳ vọng cho danh mục i.
- Rf : Mức lợi nhuận không rủi ro.
- E(Rf ) : Mức lợi nhuận kỳ vọng của toàn bộ thị trường.
- SMB : Bình quân chênh lệch trong quá khứ giữa lợi nhuận danh mục
cổ phiếu công ty nhỏ so với lợi nhuận danh mục cổ phiếu công ty lớn.
- HML : Bình quân chênh lệch trong quá khứ giữa lợi nhuận danh mục
cổ phiếu công ty có tỷ số giá trị sổ sách trên giá thị trường cao so với
công ty có giá trị này thấp.
- βi : Hệ số hồi qui cho nhân tố thị trường.
- si : Hệ số hồi qui cho nhân tố SMB.
- hi : Hệ số hồi qui cho nhân tố HML.
Mô hình Fama-French 3 nhân tố vẫn cho rằng tỷ suất sinh lợi cao là phần thưởng cho sự chấp nhận rủi ro cao. Hệ số si và hi lần lượt đo lường mức độ ảnh hưởng của hai nhân tố SMB và HML đến tỷ suất sinh lợi của danh mục i. Danh mục i bao gồm những cổ phiếu giá trị sẽ có hệ số hi cao và ngược lại đối với danh mục bao gồm những cổ phiếu tăng trưởng sẽ có hi thấp. Tương tự, danh mục i bao gồm những cổ phiếu có vốn hóa thị trường cao thì sẽ có hệ số si thấp và ngược lại đối với những danh mục bao gồm những cổ phiếu có vốn hóa thị trường thấp thì hệ số si cao
tài liệu tham khảo tại đây:
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *