Nếu không được thỏa thuận hoa hồng mà phải tuân theo mức khống chế thù lao hoa hồng như Bộ Tài chính vừa ấn định 430 đồng/lít thì nhiều đại lý nguy cơ thua lỗ. Vì thế, các DN bán lẻ ra sức phản đối và cuộc chiến hoa hồng xăng dầu sẽ còn kéo dài.
Nhìn thấy lỗ nặng
Trong 4 tháng qua, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh bán lẻ xăng dầu liên tiếp gửi "thư từ" tới Bộ Tài chính và Hiệp hội xăng dầu để "khiếu nại" việc siết hoa hồng xăng dầu hiện nay.
Doanh nghiệp tư nhân thương mại Huyền Trang, (Gia Lâm, Hà Nội) - Đại lý bán lẻ của Công ty xăng dầu thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec (Hải Phòng) cho biết, cửa hàng của chúng tôi cách kho đầu mối 120km. Sản lượng bình quân bán ra mỗi tháng đạt 140 triệu lít xăng dầu.
Theo chủ doanh nghiệp này, để vận hành cửa hàng, DN phải chịu chi phí vận chuyển khoảng 150 đồng/lít, chi phí lương, công nhân, quản lý là 220 đồng/lít, chi phí điện nước, điện thoại, sữa chữa máy là 40 đồng/lít, chi phí thuế VAT, thu nhập khoảng 50 đồng/lít, chi phí thuê mặt bằng khoảng 130 đồng/lít, chi phí hao hụt, đầu tư vốn 60 đồng/lít. Tổng cộng các khoản này, chi phí bỏ ra đã vào khoảng 650 đồng/lít.
"Thế nhưng, theo quy định của Bộ Tài chính, chúng tôi chỉ được chiết khấu tối đa 430 đồng/lít, như vậy đã nhìn rõ lỗ 220 đồng/lít", chủ đại lý phân trần.
Vì thế, đơn vị này đã kiến nghị, mức thù lao ít nhất phải là 650 đồng/lít mới đủ để cho một cây xăng tồn tại.
Một bài toán lợi nhuận khác được doanh nghiệp tư Duy Tuấn - Đại lý bán lẻ thuộc của Công ty xăng dầu Bắc Thái lại cho ra kết quả là lỗ 170 đồng/lít. DN này kiến nghị, mức thù lao tối thiểu phải là 600 đồng/lít mới đủ cho đơn vị "sống".
Với những DN phân phối lớn hơn, mức lãi có được theo quy định mới của Bộ Tài chính được cho là quá bèo bọt. Công ty xăng dầu khu vực I cho hay, một khách hàng đại lý của công ty có sản lượng tiêu thụ bình quân khoảng 100.000 lít/tháng, số lao động bình quân khoảng 5 người gồm 1 cửa hàng trưởng và 4 công nhân. Hiện nay, chi phí vận tải khoảng 70 đồng/lít, mức hao hụt ước khoảng 0,1% đối với khâu vận tải và 0,3% đối với khâu bán lẻ. Lương bình quân trả cho một công nhân là 5 triệu đồng/tháng. Cộng các khoản này, chi phí bỏ ra đã là 42,6 triệu đồng, chưa kể tiền điện nước, chi phí quản lý, khấu hao tài sản.
Vậy thì, mức lãi gộp 430 đồng/lít nhân với sản lượng 100.000 lít/tháng, tức khoảng 43 triệu đồng thì số tiền còn lại chỉ có 1,4 triệu đồng/tháng.
Công ty này còn nhấn mạnh, không một DN nào lại bỏ ra hàng tỷ động để xây dựng cửa hàng xăng dầu mà mỗi tháng lại chỉ tính trích khấu hao, các khoản mục chi phí khác, chưa kể lãi vay, lợi nhuận có vỏn vẹn 1,4 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, DN đầu mối lớn hơn là Công ty xăng dầu Quân đội cho biết, bình quân đầu tư 1 cửa hàng là 3 tỷ đồng, lãi suất ngân hàng hiện nay doanh nghiệp phải trả là 30 triệu đồng/tháng. Chi phí tối thiểu cho hoạt động cửa hàng như điện, nước, lương công nhân đã khoảng 20 triệu đồng/tháng. Như vậy, chi phí cố định cho 1 cửa hàng của công ty này đã vào khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Với mức thù lao đại lý tối đa 50% chi phí định mức, tức 430 đồng/lít thì tổng thu chỉ được khoảng 43 triệu đồng/tháng. Hiện nay, bình quân sản lượng tiêu thụ mỗi tháng một cây xăng bán lẻ khoảng 100m3, có nhiều cửa hàng chỉ bán được 30-50m3. Theo đó, nếu bán được 100m3/tháng thì cửa hàng đã cầm chắc lỗ 4 triệu đồng/tháng.
Đặt ra bài toán này, các doanh nghiệp này đều đồng loạt than phiền, mức khống chế của Bộ Tài chính đưa ra cho thù lao bán lẻ xăng dầu là không khả thi, thiếu tính thực tiễn. Đại diện Công ty CP xăng dầu Tự lực I bày tỏ, quy định mới của Bộ Tài chính đang gây hoang mang cho hệ thống bán lẻ xăng dầu.
Phát sinh tiêu cực
Theo thông báo 308, những cây xăng bán lẻ cách xa kho xăng dầu trên 50km thì sẽ không bị khống chế thù lao hoa hồng. Nói cách khác, các cây xăng bán lẻ ở gần trong phạm vi 50km thì chỉ được chiết khấu tối đa 430 đồng, nằm ngoài phạm vi trên thì có thể được chiết khấu cao hơn, tự do thỏa thuận với đầu mối.
Tuy nhiên, quy định mở này tiếp tục nhận được sự phản ứng gay gắt từ chính các doanh nghiệp đầu mối.
Trong một công văn gửi Bộ Tài chính, SaigonPetro bày tỏ sự e ngại sẽ nảy sinh cơ chế xin cho, tiêu cực tới đây khi các doanh nghiệp xăng dầu sẽ tìm cách lách luật.
SaigonPetro phân tích, thời kỳ bù lỗ 2004-2008, cơ chế nhiều giá giá bán tùy cự ly vận chuyển đã từng được áp dụng, hệ lụy là các đại lý, tổng đại lý đã mua xa, bán gần gây rối loạn thị trường bấy giờ. Vì mua xa, các đại lý sẽ được hưởng hỗ trợ cước vận chuyển, thù lao tốt hơn.
Trong giai đoạn này, Nhà nước cũng từng quy định mức thù lao tối đa dành cho các tổng đại lý, đại lý bán lẻ. Rốt cục, một số thương nhân đầu mối cạnh tranh không lành mạnh, đã tìm cách tăng vượt trần thù lao cho đại lý để đẩy hàng, lôi kéo các khách hàng đại lý bán lẻ, tăng thị phần. Ngược lại, những thương nhân đầu mối chấp hành nghiêm chỉnh, chi thù lao đúng mức quy định thì lại bị hụt sản lượng bán hàng do giảm thị phần. Đến khi quyết toán bù lỗ với cơ quan quản lý Nhà nước, đã phát sinh cơ chế xin cho, thậm chí, phát sinh cả tiêu cực trong quyết toán chi phí thù lao để được bù lỗ.
Doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất phía Nam này đã khẳng định, nếu như trong thời điểm này, vận hành trở lại các quy định khống chế thù lao xăng dầu thì chắc chắn, sẽ không sao tránh khỏi tình trạng tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh như thời kỳ bù lỗ đó.
SaigonPetro cho rằng, Liên Bộ Tài chính- Công Thương chỉ nên quy định tổng số chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức sau khi xác định giá cơ sở minh bạch, công khai. Việc quy định chung như vậy sẽ tạo ra biên độ rộng hơn, thoáng hơn cho doanh nghiệp tính toán hiệu quả kinh doanh, đúng với cơ chế thị trường hơn. Khi đó, doanh nghiệp nào còn chi thù lao "quá tay' sẽ phải chịu lỗ mà không thể đổ lỗi cho cơ chế được.
VEF
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *