KẾT QUẢ LẤY PHIẾU “TÍN NHIỆM” NĂM 2014: VÀI CON SỐ THỐNG KÊ
Kỳ họp vừa qua (2014) các ông/bà “nghị” (hay dân biểu như cách nói của mấy tay ở giời Tây) đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 (lần 1 thực hiện vào năm 2013). Mặc dù có một số người chỉ trích là cách lấy ba mức “tín nhiệm” là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp là một dạng “uyển ngữ”. Tuy nhiên cũng phải nói rằng đấy là một “tín hiệu” đáng mừng vì dù sao có cũng còn hơn không.Đã có một số “nhà quan sát” có những phân tích sắc sảo (ví dụ như GS Nguyễn Văn Tuấn) bằng các phương pháp thống kê (thầy Tuấn là một bậc thầy về thống kê rất đáng kính và tâm huyết với khoa học Việt Nam). Lặp lại với những phân tích đó và xem xét thêm một số khía cạnh cá nhân từ các đại biểu mình có làm thêm một số phân tích nho nhỏ để thấy rằng nếu biết dùng thống kê thì các số liệu cũng “biết nói” và kể những câu chuyện thú vị.
Đầu tiên phải thừa nhận rằng ba mức tín nhiệm đưa ra là một thang đo “không giống ai”, đúng là một dạng “uyển ngữ”. Về mặt cá nhân mình thích bỏ phiếu dạng Có – Không cho nó dứt khoát (có lẽ nhiều người cũng đồng ý). Một số người có thể cẩn trọng hơn sẽ lấy thang điểm nhiều mức độ (chẵn, lẻ thì tùy). Tuy nhiên chẳng một nhà nghiên cứu nào lại làm một cái thang đo thiên lệch như vậy (!). Một số anh/chị nhà báo lấy mức % của “tín nhiệm cao” để xếp loại nhưng cách đó có lẽ là thiếu công bằng. Ở đây mình sẽ chọn “trọng số” cho các mức đánh giá như sau (giả định là mình cho điểm tín nhiệm thấp đến tín nhiệm cao dao động trong khoảng -1 đến 1, với trung bình là 0)
Tín nhiệm thấp: Điểm từ -1 đến 0 (trung bình là -0.5)
Tín nhiệm: Điểm từ 0 đến 0.5 (trung bình là 0.25)
Tín nhiệm cao: Điểm từ 0.5 đến 1 (trung bình là 0.75)
(Mặc dù đại biểu cho đánh giá bằng “điểm” tuy nhiên ta giả định là mức đánh giá là một giải liên tục và chúng ta phải lấy “giá trị giữa” của các khoảng được phân tổ để làm trọng số. Bạn nào làm thống kê xem dữ liệu được phân tổ để tính toán các tham số sẽ dễ hình dung hơn).
Như vậy điểm của một đại biểu được đánh giá = (0.75*số phiếu tín nhiệm cao + 0.25* số phiếu tín nhiệm -0.5* số phiếu tín nhiệm thấp)/tổng số phiếu. Theo cách tính này thì ba vị trí dẫn đầu thuộc về bà Nguyễn Thị Kim Ngân (0.64), ông Trương Tấn Sang (0.61), bà Trương Thị Mai (0.61) và ba vị trí đội sổ là bà Nguyễn Thị Kim Tiến (0.05), ông Hoàng Anh Tuấn (0.10), ông Nguyễn Thái Bình (0.11).
Trong 50 vị được lấy phiếu tín nhiệm đợt này có 20 vị thuộc các cơ quan của QH và 27 vị là cơ quan của chính phủ, 3 vị làm bên tòa án, viện kiểm sát không biết xếp vào đâu. So sánh sự khác biệt giữa điểm tín nhiệm của các vị đứng đầu các cơ quan của quốc hội và chính phủ cho thấy các vị thuộc chính phủ có điểm trung bình đánh giá thấp hơn so với quốc hội ( 0.52 so với 0.35) và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê .Mặt khác thì độ lệch chuẩn điểm đánh giá cơ qua của chính phủ cũng lớn hơn và khác biệt thực sự với cơ quan của quốc hội (0.160 với 0.064). Điều này phần nào phản ánh mức độ thiếu đồng đều về đánh giá của các đại biểu với các cơ quan của chính phủ so với quốc hội. Và như dân ta nói “làm nhiều sai nhiều” cơ quan của chính phủ là “hành pháp” nên có thể hành động nhiều hơn (cũng có thể phá nhiều hơn) dẫn đến nhiều sai hơn và bị đánh giá thấp hơn là các cơ quan của quốc hội chủ yếu “lập pháp” và có ít thực quyền hơn.
Về giới tính có sự chêch lệch rất lớn về đại biểu nam và nữ trong khi chỉ có 7 vị là nữ thì có đến 43 vị là nam giới. Điểm đánh giá của nhóm nữ cao hơn nam chút ít (0.435 với 0.422), tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Điều này cũng có thể xem năng lực của các “phụ nữ thời đại HCM” khi đã vào QH hoặc CP thì cũng không kém đàn ông.
Phân theo vùng miền thì các bán bộ miền Trung có điểm thấp nhất (0.398, với 14 cán bộ) tiếp đến là các bán bộ miền Bắc (0.421, với 29 cán bộ) và cao nhất là cán bộ miền Nam (0.485). Tuy nhiên sự khác biệt này cũng không có ý nghĩa thống kê, nên cũng có thể xem là không có sự khác biệt mặt vùng miền. Hay năng lực của cán bộ ta là như nhau không có sự khác biệt giữa các vùng (vùng nào vào đấy chẳng vậy !)
Phân loại theo học vấn cho thấy cán bộ của ta toàn trình cao cả, kết quả lần này cho thấy nhóm có trình độ cao học (thạc sỹ) có điểm cao nhất (0.485 với 8 cán bộ), tiếp đến là tiến sỹ (0.415 với 25 cán bộ) và cuối cùng là đại học (0.408 với 17 cán bộ). Tuy nhiên sự khác biệt này cũng không có ý nghĩa thống kê hay nói cách khác sự khác biệt về trình độ học vấn không có ảnh hưởng gì đến năng lực của cán bộ cả (vì vậy chẳng cần đến tiến sỹ hay PGS/GS gì sất)
Phân loại theo thành phần dân tộc thì có 4 cán bộ là người dân tộc thiểu số và mức điểm lại cao hơn so với các cán bộ người Kinh (0.45 với 0.42). Tuy nhiên sự khác biệt này cũng không có ý nghĩa. Ở đây có thể thấy là học đại học rồi thì cũng như nhau tuốt chẳng phân biệt Kinh hay thiểu số.
Trong các cơ quan của chính phủ mình chọn ra 5 cơ quan theo “truyền thống” được xem là quan trọng và có nhiều quyền lực của các quốc gia là: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Ngân hàng NN được xếp vào một nhóm, các bộ khác được xem là ít quyền lực hơn được xếp vào một nhóm. Kết quả cho thấy điểm đánh giá cho các cá nhân đứng đầu của nhóm “quyền lực” là 0.494 (SD =0.047) và nhóm “ít quyền lực” hơn là 0.284 (SD =0.156). Và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê. Đố các bạn diễn giải được ý nghĩa con số này đấy (!)
Nguồn: QA Vietnam
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *